Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la
Biên tập viên: Huyền
12/02/2023
Ít năm sau khi tốt nghiệp khoa Hóa thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội và bắt đầu làm việc tại Viện Công nghệ Quốc gia, ông Nguyễn Hòa Anh nhận được học bổng ngắn hạn trị giá 3.000 USD từ UNESCO. Học bổng này cho phép ông có thể chọn nghiên cứu tại bất kỳ phòng thí nghiệm nào trên thế giới tuỳ thích. Thời điểm đó, ông Nguyễn Hòa Anh cũng không ngờ đây là bước khởi đầu quan trọng đối với con đường sự nghiệp của mình sau này.
BƯỚC NGOẶT TỪ HỌC BỔNG 3.000 USD DẠNG HIẾM
“Học bổng của UNESCO rất hiếm, đó không phải là cái gì thông thường Việt Nam có thể nhận được vào những năm 90. Hồi đó, người Việt đi học nước ngoài cũng cực kỳ ít. Ngay cả đi học, đa phần mọi người chọn các nước Đông Âu. Gia đình tôi là gia đình giáo viên, điều kiện tài chính thấp so với mặt bằng chung. Mọi người cũng xui bảo đi Nga để có thể tiết kiệm được nhiều tiền. Nhưng tôi quyết định chọn Nhật, vì Nhật Bản là biểu tượng cho sự hiện đại, sự thành công. Hồi đó, nước Nhật ở vị thế số 1 thế giới, thu nhập đầu người lớn hơn Mỹ nhiều”, Tiến sĩ sinh học phân tử Nguyễn Hòa Anh nhớ lại.
Ông Nguyễn Hòa Anh xuất ngoại năm 93 trong chuyến thực tập ngắn hạn 3 tháng và trở về nước với lời bút phê ngắn gọn của Giáo sư hướng dẫn: “Bạn làm việc chăm chỉ và kết quả nghiên cứu của bạn có thể công bố được”. Năm 95, thông qua giới thiệu của một vị Giáo sư ở Trường Đại học Tohoku, ông đã nhận được học bổng của Chính phủ Nhật để học chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ. Cuối năm 95, ông quay trở lại xứ sở hoa anh đào. Ông Hoà Anh đã ở lại Nhật Bản sống, học tập, nghiên cứu gần 15 năm.
Những dấu mốc nào là quan trọng nhất với ông khi sống và làm việc ở Nhật?
Ở Nhật, tôi dành rất nhiều thời gian vào nghiên cứu. Tôi mất 2 năm để nhận bằng Thạc sĩ, rồi 3 năm cho bằng Tiến sĩ. Sau đó tôi tiếp tục nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Thực ra, dấu mốc đối với dân khoa học là các kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến hai dấu mốc liên quan đến lợi khuẩn.
Dấu mốc đầu tiên là khi tôi bén duyên với lợi khuẩn. Cuối năm 95, khi quay trở lại Nhật để bắt đầu học Thạc sĩ, tôi nhận được đề tài về lợi khuẩn cho thực vật. Mới đầu, tôi rất lo vì kiến thức mình học bên Trường Bách Khoa không phù hợp với sinh học phân tử. Tôi bắt đầu từ con số 0. Nhưng sau 2 tháng, tôi đã tạo ra được những kết quả thành công nhất định và biết rằng mình có thể tự tin bước vào thế giới lợi khuẩn.
Cột mốc thứ hai thì ngược lại, đó là khi tôi chia tay lợi khuẩn. Năm 2001, tôi nhận bằng Tiến sĩ cùng với đề tài lợi khuẩn đã theo từ ban đầu. Trước đó, tôi đã đạt được rất nhiều thành công trong nghiên cứu cơ bản về lợi khuẩn. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra một đặc tính hết sức quan trọng, đó là các vi khuẩn không bền. Vi khuẩn phát triển nhanh và chết cũng cực kỳ nhanh. Cứ sau mỗi tuần, số lượng và chất lượng lợi khuẩn lại giảm 90%. Do đó, tôi thấy rằng lợi khuẩn không có khả năng ứng dụng lâu dài.
Mặc dù không thấy có tương lai như vậy, nhưng quá trình nghiên cứu lại cho tôi kiến thức và sau này giúp tôi có ý tưởng rất hay khi gặp được bào tử lợi khuẩn.